Nguồn gốc của trà (Phần 1): Lời mở đầu
Chuyện kể rằng vào thuở tam giới còn sơ khai, trên thiên thượng mở một pháp hội để bàn việc con người sẽ sinh tồn và phát triển ra sao ở không gian tầng thấp. Tham gia pháp hội lúc đó có Thần cai quản môi trường vật chất ở không gian tầng thấp, Thần phụ trách đa dạng sinh vật, còn có Thần quản lý quan hệ xã hội v.v… Vì tam giới mới sơ khai nên các vị Thần đều không có nhiều hình mẫu tham chiếu để tạo ra và đặt định sự phát triển của những thứ bên trong tam giới, họ chỉ có thể dựa theo trạng thái của tầng thứ lúc đó để an bài những sự vật trong tam giới mà thôi. Ví dụ: Thần dựa theo hình dáng của mình để tạo ra con người, Thần cũng dựa theo những hình tượng khác trên thiên giới để tạo ra các giống loài trên mặt đất. Về sau họ phát hiện bản thân mặt đất có thể tự sản sinh ra những giống loài mới, vậy là rất nhiều loài đã được tạo ra trên mặt đất. Đó là một công trình vô cùng phức tạp và tinh vi. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi không thể kể hết chi tiết, chỉ tập trung vào nội dung về trà.
Trong rất nhiều tầng thứ trên thiên giới đều có cây trà, thưởng trà đối với Thần tiên là một sự hưởng thụ siêu thường, kỳ thực hưởng thụ chính là trạng thái tự nhiên của các sinh mệnh trên thiên giới, bởi vì Thần tiên chính là tiêu dao tự tại.
Sau đây, chúng tôi kể sơ lược hai câu chuyện Thần tiên liên quan đến trà:
Một lần, hai vị Đạo tiên đang tán ngẫu với nhau, lát sau tiên đồng dâng lên một chiếc ấm rỗng và một chén trà. Trên nắp của chiếc ấm chạm hình hạc tiên, trên thân ấm chạm hình một con rồng vàng. Vị Đạo tiên nhìn thấy cảnh này liền cảm thấy vị Đạo tiên chủ nhà (hình dung như vậy cho dễ hiểu một chút) rõ ràng muốn thi thố tài nghệ nào đó. Quả nhiên là như vậy, vị Đạo tiên chủ nhà tay cầm cây phất trần vung lên một cách khoáng đạt, hạc tiên và kim long bỗng nhiên sống dậy. Hạc tiên bay đi lấy trà cổ vạn năm, còn kim long bay đi lấy nước suối ngọt từ đáy biển, rót vào ấm xong, hạc tiên và kim long lại trở về vị trí ban đầu. Vị Thần tiên đặt tay lên nắp ấm, một lát thấy nước trở nên sẫm màu hơn, một lúc sau vị Thần tiên đối diện cảm thấy từng lỗ chân lông như mở ra, một luồng năng lượng như gió nhẹ ngấm vào trong thân thể, ngũ tạng đều có cảm giác vô cùng dễ chịu, định đưa tay lấy chén trà tự rót nhưng lại nhớ ra chỉ có một chiếc chén. Vị Đạo tiên chủ nhà thấy vậy mỉm cười nói: “Mời ngài cứ tự nhiên cầm chén trà, nhưng hãy cầm vào mặt trong của chén”. Nghe những lời này, vị này cảm thấy bên trong tất có gì đó sâu xa huyền diệu, vậy nên liền làm theo, vậy là từ trong chén trà đó ông lại lấy ra được một chén trà khác giống hệt như vậy.
Ông lấy chén trà ra xong, đặt trước ấm trà, trà trong ấm tự rót ra, đầy thì dừng lại, uống hết lại tự động rót, không muốn uống nữa thì dừng. Còn vị Đạo tiên chủ nhà trước giờ không hề đặt chén trà gần ấm trà, chỉ cầm trong tay mà trà cũng tự đầy, cho đến khi không muốn uống nữa thì trà trong chén cũng hết.
Một câu chuyện khác như sau: Một vị Thần tiên đang gảy đàn, tiếng đàn du dương, êm ái. Lúc này một làn hương trà bay đến, ông chợt cảm thấy tâm trạng thăng hoa, dường như tiến nhập vào một trạng thái mới lạ. Tiếng đàn lúc đó không những êm ái mà càng lay động lòng người, thanh trừ những vật chất xấu, gột rửa bụi trần.
Tôi muốn thông qua câu chuyện thứ nhất để nói rằng trà vốn là thứ mà Thần tiên trên thiên giới uống hàng ngày, còn câu chuyện thứ hai để nói về tác dụng của trà.
Trên thiên giới có rất nhiều loại trà, công dụng cũng không giống nhau. Thần tiên chỉ đem một phần rất ít ỏi trong số đó đến nhân gian để cho con người qua việc uống trà, thưởng trà mà tu tâm dưỡng tính, từ đó chấm dứt nhân duyên thế tục giữa người với người, trong dòng chảy xã hội, trải qua những câu chuyện hoặc là xúc động tâm can hoặc là da diết, buồn thương hoặc là bình thường, đơn điệu, mục đích là để con người ghi nhớ sự sáng tạo vạn vật của trời xanh và ân đức của Thần, gieo vào trong tâm hồn con người những hạt giống của lòng thành kính hướng tới Thần, để đến một ngày khi Thần trở lại có thể giữ được sự trong sạch và thuần khiết mà cùng Thần trở về. Bởi con người vốn từ thiên thượng đến, trở về nhà cũng là lẽ dĩ nhiên.
* * *
Rất nhiều người nghiên cứu về lịch sử của trà đều phát hiện một vấn đề thú vị rằng: nếu nói về khí hậu thì trên thế giới có rất nhiều nơi thích hợp để trồng cây trà, nhưng tại sao trà chỉ bắt nguồn ở Trung Quốc còn những nơi khác lại không có? Hơn nữa, trong những nền văn minh cổ trên thế giới, chỉ có nền văn minh Trung Hoa kéo dài mấy nghìn năm không bị đứt đoạn, mà đi cùng với nó là trà.
Từ một ý nghĩa khác mà nói, trà trở thành hình ảnh gần gũi và trực tiếp nhất thể hiện thế giới quan “thiên nhân hợp nhất” của người Trung Quốc, từ chén trà mà ngẫm nghĩ về triết lý nhân sinh và vũ trụ, từ chén trà mà tìm kiếm tri ân tri kỷ, từ chén trà mà chữa các bệnh tật cấp và mãn tính v.v… Trà cũng trở thành vật truyền tải văn hóa Trung Hoa để giao lưu với các nền văn hóa khác, hơn nữa, trước thời Mãn Thanh, trà còn là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của quốc gia này. Trung Hoa nhờ có trà mà trở nên rực rỡ, cũng bởi có trà mà bị các cường quốc nhòm ngó (do nhu cầu nhập khẩu trà từ Trung Quốc của các nước châu Âu và Anh quốc rất lớn, các nước này cảm thấy kinh tế của mình bị tổn thất lớn vì lệ thuộc vào Trung Quốc, nên đã bán phá giá thuốc phiện sang Trung Quốc, cuối cùng dẫn đến bùng phát cuộc chiến tranh nha phiến).
Cho đến nay, tuy rằng trà vẫn rất thơm ngon, nhưng nó không còn giữ được cảm giác và hương vị như thời cổ xưa nữa, bởi vì đất đã biến đổi, nước đã biến đổi, lòng người càng thay đổi, đã không còn thuần khiết như xưa. Giờ đây, chúng ta tìm lại trà và văn hóa trà để gợi lại những ký ức xưa cũ, nhặt nhạnh những mảnh vụn về văn hóa trà để hy vọng khơi dậy một chút nét đẹp văn hóa trà đã phai mờ qua tháng năm lịch sử.
Tác giả: Thạch Phương Hành
Dịch nguồn:zhengjian.org
Cảm ơn các bạn đã tham khảo bài viết và cùng đón chờ phần tiếp theo nhé!
Hãy liên lạc với Trà lão Sơn để được tư vấn về các loại trà ngon hảo hạng các bạn nhé!
Chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay !